Hoa trắng thôi cài trên áo tím Kiên Giang (nhà thơ)

Ở Trường trung học tư thục Nam Hưng.

"Hoa trắng thôi cài trên áo tím" có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Kiên Giang, đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Tác giả cho biết: "Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) trường tư thục Nam Hưng/ Vốn có khiếu văn chương nên anh được các thầy giao cho thực hiện một tờ báo tường lấy tên là Ngày xanh. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì nắn nót chép bài vở. Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với khuôn mặt thanh tú và mái tóc dài ôm xõa bờ vai. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có… vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả! Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau…

Rồi cuộc Kháng chiến chống Pháp nổ ra, việc học hành bị gián đoạn. Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam) vào Khu 8, tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này. Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957. Ở đoạn kết có những câu: Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/ Chở áo tím về giữa áo quan/ Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/ Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…, tôi đã 'cho' người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.

Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp 'gặp lại cố nhân' ở Sóc Trăng (lúc này đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết đi để bảo vệ quê hương, không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định năm 1958), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa… Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả! Năm 1977, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua, gặp lại, hai mái đầu đã bạc… Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn cả hai vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”.[3]

Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có làm phim "Chiếc giỏ đời người" (nhà thơ Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ), khi trở về Cần Thơ quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là bà Nhiều mất năm 1998. Đúng là

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ"